Một cô gái trẻ với ước mơ cháy bỏng trở thành tiếp viên hàng không, nhưng đã nhanh chóng nhận ra cuộc sống khắc nghiệt hơn mơ ước.
(Hình minh họa)
“Từ bé, mình đã có duy nhất một ước mơ, là khi lớn lên được trở thành tiếp viên hàng không. Mình chắc nịch với gia đình rằng “Nếu không là tiếp viên hàng không, thì sẽ không là nghề nào khác!”. Gia đình mình là người Bắc, khá khó tính và cứng nhắc, một mực không chấp nhận. Bố mẹ bảo: “Tiếp viên hàng không cũng chỉ là người phục vụ thôi con ạ, chỉ khác là phục vụ ở trên trời thôi”. Mình chỉ biết thở dài.
Sau 4 năm cố gắng hoàn thành Đại Học theo như ý bố mẹ, mình cũng thuyết phục được gia đình cho mình theo nghề. Mình đi phỏng vấn, nói thật, là sau vài lần mới đậu. Lần đầu tiên được bước chân vào Học Viện đào tạo, mình cảm giác như giấc mơ của mình cuối cùng đã thành sự thật.
Nhưng, mùa dịch tới. Công ty cắt giảm tiếp viên, cắt giảm lương, cắt giảm phúc lợi. Không những thế công việc còn ngày một nhiều thêm. Mình sẽ không bao giờ than vãn, nếu nó xứng đáng với đồng lương mình được nhận, vì đó là công việc mình mơ ước mà! Nhưng không, các bạn ạ. Công ty ngày càng đòi hỏi nhiều, không phải đòi hỏi về nghiệp vụ mà đòi hỏi những thứ mình không ngờ được. LÀ BẮT TIẾP VIÊN DỌN VỆ SINH TÀU Ở CHUYẾN BAY CUỐI CÙNG TRONG NGÀY.
Người trong nghề, ai cũng sẽ biết, đa phần những chuyến bay cuối ngày sẽ là tầm 1-2h sáng cho mùa bình thường không dịch. Ai cũng sẽ hiểu là, tiếp viên luôn phải chuẩn bị trước giờ bay 3-4 tiếng, 2-3 tiếng chuẩn bị ở nhà và ít nhất 1 tiếng cho việc briefing, prepare trước giờ cất cánh. Trung bình một ngày sẽ làm việc từ 14-15 tiếng tính cả thời gian chuẩn bị. Thử hỏi sau chừng ấy thời gian, thì có ai còn sức để lau từng cái cửa sổ, lau từng cái ghế, từng cái bàn ăn, bếp, dọn vệ sinh, dọn sàn… TẤT TẦN TẬT TRONG CABIN, NHƯ NHỮNG ANH CHỊ TRONG ĐỘI VỆ SINH TÀU BAY. Thử hỏi, đó không phải là bóc lột sức lao động thì là gì? Lúc kí kết hợp đồng, thì không hề ghi công việc sẽ là gì, rồi đến khi vào công ty, thì một nùi việc đổ lên đầu, cắt hết thứ này đến thứ kia. Nào là giảm lương, nào là cắt tiếp viên xuống mặt đất đi cất hành lý (cũng may mắn vì mình chưa phải đi), BÂY GIỜ LÀ BẮT TIẾP VIÊN LÀM LAO CÔNG DỌN VỆ SINH.
Thành thật mà nói, mình không chê bất kì ngành nghề nào. Nhưng, 12 năm ăn học, 4 năm đại học, học hết ngôn ngữ này đến ngôn ngữ khác, chỉ để lên máy bay dọn vệ sinh ư? Ước mơ của mình đâu phải như vậy mọi người? Tiếp viên hàng không đối với một công ty lớn như vậy, có quá rẻ mạt không mọi người?”
(Trích từ bài viết của CafeF)
Câu chuyện này thực sự không mới lạ nhưng đem lại cho tôi cũng như những ai người đọc được có sự đồng cảm sâu sắc. Bởi dịch bệnh đã và đang làm thay đổi cuộc sống của tất cả mọi người.
Nhiều người đã thất nghiệp, bị giảm lương, giảm thu nhập; bị phong tỏa, cách ly… từ khi dịch bệnh đến nay.
Tuy nhiên, thay vì buồn bã, thất vọng, chán nản nhiều người vẫn đầy năng lượng tích cực, vui vẻ và lạc quan vào một tương lai tốt đẹp hơn khi dịch bệnh được khống chế.
Cô bạn thân của tôi, một người làm trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn cho biết hơn một năm nay công ty đã thực hiện chính sách nghỉ không lương. Có nghĩa là, một tuần các nhân viên chỉ làm việc tối đa 3 ngày, và nhận 30 – 50% lương cơ bản. Thậm chí, công ty còn khuyến khích nghỉ không lương cả tháng. “Có tháng em thu nhập khoảng 3 triệu đồng thôi”, cô tâm sự.
Các quán ăn, các doanh nghiệp tại TPHCM vẫn thường xuyên thực hiện các chương trình thiện nguyện dù cũng đang gặp khó khăn trong mùa dịch
Thế nhưng, tôi không bao giờ thấy cô buồn bởi cô biết sắp xếp hợp lý việc chi tiêu để hai mẹ con vẫn có cái ăn trong giai đoạn này. Thậm chí, cô còn cảm thấy vui vì mình có thời gian gần gũi với con, dạy con những kỹ năng cơ bản. “Gần đây con em ngoan và tự giác hơn trước rất nhiều”, cô mỉm cười hạnh phúc.
Dĩ nhiên, với những người có thu nhập tốt hoặc đã tích lũy được một khoản tiết kiệm như cô thì có thể vượt qua việc giảm thu nhập dễ dàng hơn những bạn trẻ mới ra trường hoặc những gia đình thu nhập thấp, làm bữa nào ăn bữa đó. Vì thế, tôi không nói đến những người này.
Tôi chỉ nói đến những bạn chưa thực sự quá khó khăn như cô gái trên thì không nên suy nghĩ quá tiêu cực hoặc chán nản chỉ vì mình không được làm công việc yêu thích. Hay mình được trả lương chưa xứng đáng với công sức mình bỏ ra.
Bởi trong dịch bệnh, việc các doanh nghiệp cũng đã phải gồng gánh rất nhiều chi phí. Nhiều người đã phá sản, nợ nần… khi không thể kham nổi các chi phí mặt bằng, nhân sự và tỉ tỉ các chi phí khác. Vì thế, mỗi người chúng ta hãy cùng đặt mình vào vị trí của nhau để hiểu, thông cảm và cùng chung tay giúp đỡ vượt qua cơn hoạn nạn.
Nhiều địa phương đã và đang tiếp tục ủng hộ các vùng dịch trong giai đoạn khó khăn
Tôi đã thấy rất nhiều những bàn tay chìa ra giúp đỡ nhau trong giai đoạn này. Những quán cơm 0đ, những ATM gạo, những bó rau, bịch gạo từ mọi miền đất nước đã gởi về cho TP.HCM và những vùng bị dịch bệnh “xâm lấn”. Và những chia sẻ tích cực, những lời hỏi thăm, động viên lẫn nhau đã góp phần giúp mọi người có động lực tiếp tục cố gắng, tiếp tục chiến đấu.
Năng lượng tích cực chính là loại vitamin tốt nhất, giúp bạn tăng cường sức đề kháng trước mọi bệnh tật. Hãy cùng nhau lan tỏa những năng lượng yêu thương và sẻ chia bạn nhé.
Mong rằng, dịch bệnh mau chấm dứt và cuộc sống sẽ trở lại như xưa…