Hãy suy nghĩ về những bất đồng với người yêu hay bạn đời của bạn thường diễn ra như thế nào. Nếu họ thường khiến bạn cảm thấy phòng thủ, nói vòng vo, nói những điều khiến bạn hối tiếc hoặc im lặng, thì có thể bạn đang phải đối mặt với tình trạng “tràn ngập cảm xúc” (Emotional Flooding)
Cảm xúc dâng trào có thể khiến bạn tuyệt vọng
Emotional Flooding là sự choáng ngợp về mặt tâm lý và sinh lý mà con người trải qua khi có xung đột. Theo nhà nghiên cứu hôn nhân John Gottman, người đã nghiên cứu về tình trạng tràn ngập cảm xúc, khi bạn ở trong trạng thái này, bạn gần như không thể có một cuộc trò chuyện hiệu quả.
Cảm giác cảm xúc dâng trào “xảy ra khi hệ thống thần kinh phát hiện mối đe dọa đối với sự an toàn và báo hiệu cho tuyến thượng thận giải phóng các hormone liên quan đến căng thẳng, adrenaline và cortisol,” nhà trị liệu Casey Tanner ở Chicago chia sẻ. Sự gia tăng hormone này kích hoạt phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy của cơ thể, khiến bạn cảm thấy tràn ngập cảm xúc.
Tanner, cho biết: “Trong khi con người sơ khai trải qua nhiều mối đe dọa về thể chất như bởi động vật ăn thịt hoặc điều kiện thời tiết, thì ngày nay các mối đe dọa đối với sự an toàn thường mang tính cảm xúc hơn là thể chất”.
Tanner giải thích, sự bất đồng với đối tác không gây rủi ro cho sự an toàn về thể chất vẫn có thể được coi là mối đe dọa về mặt tinh thần và gây ra phản ứng cảm xúc trào dâng tương tự.
Cô cho biết: “Cảm giác bị từ chối, bị bỏ rơi, bị chỉ trích hoặc không được hỗ trợ đều là những mối đe dọa đối với sự an toàn về mặt cảm xúc và quan hệ, đặc biệt nếu những trải nghiệm này gợi lại những tổn thương trong quá khứ”.
Ở trạng thái cảm xúc dâng trào, nhịp tim của bạn vượt quá 100 nhịp mỗi phút. Bạn có thể bắt đầu đổ mồ hôi, có thể mặt bạn đỏ bừng, tay bạn run rẩy hoặc ngực bạn cảm thấy căng cứng. Bạn thấy mình không thể lắng nghe hoặc suy nghĩ rõ ràng.
Tuy nhiên, cảm xúc tràn ngập không phải lúc nào cũng giống nhau khi nhìn từ bên ngoài. Một số người chuyển sang “chế độ chiến đấu”, đả kích đối phương bằng lời nói và ra đòn nhẹ. Những người khác chuyển sang “chế độ máy bay”, trở nên im lặng hoặc rút lui và tìm cách thoát khỏi cuộc trò chuyện.
Bạn khó lòng bình tĩnh trò chuyện trong tình trạng “tràn ngập cảm xúc”
Khi bạn bị cảm xúc chi phối, cơ thể sẽ dành phần lớn năng lượng để bảo vệ bạn, do đó, sẽ có ít năng lượng dành cho bất cứ thứ gì, ví dụ như suy nghĩ lý trí, Tanner nói.
Cô nói: “Đây là lý do tại sao những người đang trải qua cơn bão cảm xúc có thể cảm thấy như họ không thể suy nghĩ rõ ràng hoặc có nhiều khả năng đưa ra những quyết định bốc đồng”.
Khi hệ thống thần kinh của bạn hoạt động quá mức, khả năng lắng nghe, xử lý thông tin chính xác và lòng nhân ái của bạn đều bị tổn hại. Vì vậy, “chúng ta có thể nói những điều gây tổn thương vì tức giận, không đồng cảm hoặc không chịu trách nhiệm và làm tổn thương sâu sắc những người mà chúng ta quan tâm,” Tanner nói.
Nhà trị liệu Zach Brittle ở Seattle cho biết, trong tình trạng này, bạn gần như khó có thể thông cảm hay giải quyết bất kỳ rắc rối hay bất đồng nào xảy ra giữa bạn và đối phương. Khi xung động dâng cao, nó có thể tạo ra khoảng cách giữa hai bạn. Thậm chí, dẫn đến cảm giác tuyệt vọng, mất hy vọng vào mối quan hệ hiện tại.
Làm thế nào để đối phó với tình trạng tràn ngập cảm xúc
Bị lún vào một cuộc tranh cãi không có nghĩa là bạn là một người yêu tồi hoặc có điều gì đó không ổn xảy ra với bạn. Đây chỉ là phản ứng của cơ thể để giúp chúng ta “an toàn”.
Tuy nhiên, đừng để cảm xúc chi phối và phá vỡ mối quan hệ của bạn. Bạn cần phải học cách điều chỉnh để tránh rơi vào những cuộc cãi vã thường xuyên mà không đem lại kết quả gì.
Sau đây là cách mà các chuyên gia hướng dẫn cho những bạn rơi vào tình trạng thường xuyên bị “cảm xúc dâng trào”
Nhận biết khi nào bản thân rơi vào tình trạng “cảm xúc dâng trào”
Cảm xúc ở mỗi người đều khác nhau. Vì thế, bạn cần phải cảm nhận những dấu hiệu mà cơ thể của bạn báo động. Ví dụ, có những người cảm thấy tim đập nhanh hơn, hay bắt đầu đổ mồ hôi, thở nhanh…
Hoặc chỉ đơn giản bạn cảm thấy mất bình tĩnh, muốn bùng nổ… Tất cả cho thấy cảm xúc của bạn đang bất an. Và bạn cần phải giải quyết nó, trước khi tiếp tục cuộc tranh luận.
Rời khỏi cuộc trò chuyện ít nhất 20 phút – nhưng không quá 24 giờ.
Phải mất ít nhất khoảng 20 phút để cơ thể bạn phục hồi sau khi lượng hormone căng thẳng tăng vọt. Trong thời gian này, hãy nghỉ ngơi và làm điều gì đó nhẹ nhàng mà không liên quan đến cuộc tranh cãi. Ngay cả là chỉ suy nghĩ về nó cũng không nên.
Nếu bạn đi dạo trong 20 phút mà trong đầu vẫn nghĩ cách làm thế nào để giải quyết xung đột. Hay nghĩ về điều gì đã khiến nổ ra cuộc xung đột. Điều này sẽ khiến cảm xúc của bạn càng trào dâng mà thôi.
Thay vào đó, bạn đi dạo và nghe một podcast về tin tức chẳng hạn và khi bình tĩnh lại, bạn có thể quay lại với cuộc nói chuyện trong tâm thế khác. Khi đó bạn sẽ có nhiều khả năng làm điều đó một cách hòa bình và bình tĩnh hơn.”
Một số người có thể cần hơn 20 phút để bình tĩnh lại và điều đó không sao cả. Nhưng đừng để quá 24 giờ trôi qua trước khi bạn quay lại cuộc trò chuyện. Để đảm bảo người yêu/chồng bạn không cảm thấy bị bỏ rơi, hãy đảm bảo bạn đã đồng ý về thời gian quay lại trước.
Điều chỉnh hệ thống thần kinh của bạn
Hãy bắt đầu bằng cách ưu tiên hít thở sâu, thở ra dài hơn hít vào.
Sau đó, hãy thử thiền, âu yếm thú cưng của bạn, tắm, đi dạo hoặc thực hiện một số động tác thể dục… Những hoạt động này sẽ giúp bạn trở nên bình tĩnh hơn
Hãy nghĩ xem tại sao bạn lại phản ứng với xung đột theo cách này
Để tránh tình trạng “tràn ngập cảm xúc”, mỗi khi có xung đột, bạn nên tự hỏi tình huống này có nguy hiểm không? Hay nó có nhắc nhở bạn về một sự kiện nguy hiểm trong quá khứ không?
Hãy nhớ rằng, một mối đe dọa được não bộ ghi nhận, không phải lúc nào cũng là một mối đe dọa thực sự và việc phân biệt giữa hai mối đe dọa này có thể giúp bạn hiểu lý do tại sao cơ thể bạn lại phản ứng như vậy.
Tuy nhiên, nếu bạn có những tổn thương trong quá khứ khiến cảm xúc của bạn dễ dàng trào dâng thì bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý, trị liệu. Điều này sẽ giúp bạn tìm ra được hướng giải quyết tốt hơn.
Hãy nhớ rằng sửa chữa quan trọng hơn giải quyết.
Hầu hết các vấn đề về mối quan hệ không dễ dàng giải quyết. Hãy giải quyết những vấn đề có thể giải quyết được. Đồng thời tạo ra sự quan tâm và lòng trắc ẩn xung quanh những vấn đề còn tồn tại. Hãy nhớ rằng hai bạn là một đội, đang cùng nhau giải quyết những rắc rối mà thôi.
Điều quan trọng, hãy ngừng chỉ trích, đổ lỗi cho nhau trong quá trình cùng nhau tìm cách giải quyết vấn đề, cùng nhau tìm ra tiếng nói chung cho mối quan hệ này.