Bận rộn, áp lực công việc khiến chúng ta cảm thấy căng thẳng và có thể dẫn đến những nguy cơ về tim mạch. Tuy nhiên, quá rảnh rỗi cũng chưa chắc là điều hay.
Trong một nghiên cứu gồm nhiều phần tham dự, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ hai cuộc khảo sát quy mô lớn về cách người Mỹ sử dụng thời gian của mình. Cuộc khảo sát bao gồm hơn 35.000 người trả lời.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người có nhiều thời gian rảnh hơn thường có mức độ hạnh phúc cao hơn – nhưng chỉ ở một mức độ nào đó.
Những người có tới hai giờ rảnh rỗi mỗi ngày thường cho biết họ cảm thấy thoải mái, vui vẻ hơn những người có ít thời gian rảnh hơn. Nhưng những người có năm giờ rảnh rỗi trở lên mỗi ngày lại cho biết cảm thấy tồi tệ hơn.
Vì vậy, sau cuộc khảo sát, các chuyên gia cho rằng, để hạnh phúc một người cần có thời gian rảnh hai đến ba giờ mỗi ngày.
Marissa Sharif, trợ lý giáo sư tiếp thị tại Trường Wharton và là tác giả chính của bài báo, cho biết trong một thông cáo báo chí: “Mặc dù quá ít thời gian là không tốt, nhưng có nhiều thời gian hơn không phải lúc nào cũng tốt hơn”.
Cách mọi người sử dụng thời gian rảnh rỗi rất quan trọng.
Có quá nhiều thời gian rảnh rỗi, đôi khi cũng khiến người ta không vui. Ví dụ dễ thấy nhất là những người về hưu. Họ có thể cảm thấy trống trải, thiếu vắng niềm vui khi có quá nhiều thời gian rảnh rỗi.
Các nhà nghiên cứu đằng sau nghiên cứu mới lập luận rằng để cảm thấy vui vẻ, thoải mái phụ thuộc khá lớn vào việc bạn dùng thời gian rảnh rỗi đó làm việc gì.
Các chuyên gia đã tiến hành một số thử nghiệm nhỏ để tìm hiểu thêm vấn đề này. Trong một lần, họ yêu cầu người tham gia tưởng tượng nếu có 3,5 đến 7 giờ rảnh rỗi mỗi ngày. Họ được yêu cầu tưởng tượng việc dành thời gian đó để làm những việc “hiệu quả” (như tập thể dục) hoặc tưởng tượng thực hiện những hoạt động “không hiệu quả” (như xem TV).
Các hoạt động như nấu ăn, chăm sóc cây cối… có thể khiến việc sử dụng thời gian rảnh rỗi của bạn trở nên “hiệu quả” hơn
Những người tham gia nghiên cứu tin rằng sức khỏe của họ sẽ bị ảnh hưởng nếu họ có nhiều thời gian rảnh trong ngày – nhưng chỉ khi họ sử dụng nó một cách không hiệu quả. Và các nghiên cứu cho thấy trạng thái dòng chảy giúp cho sức khỏe tinh thần của con người trở nên tốt hơn
Thế nào là trạng thái dòng chảy?
Trạng thái dòng chảy là khi bạn đắm chìm vào những sở thích của mình, bạn quên đi thời gian, không gian, thậm chí là bản thân mình. Bạn không bị chi phối bởi những suy nghĩ nào khác ngoài hoạt động mình đang làm.
Ví dụ đơn giản, bạn yêu thích nấu ăn hay dọn dẹp. Bạn miệt mài nấu ăn trong niềm đam mê và không hề quan tâm đến những việc khác. Hay bạn chơi thể thao, đánh đàn… một cách say mê.
Vâng tất cả những trạng thái lôi cuốn ấy chính là dòng chảy.
Theo nghiên cứu, những người có thể tập trung hoàn toàn vào công việc hay hoạt động nào đó của mình, không bị xung quanh ảnh hưởng thường dễ cảm thấy hạnh phúc hơn.
Sử dụng thời gian rảnh rỗi theo ý mình
Nói cách khác, cách mọi người sử dụng thời gian rảnh rỗi rất quan trọng và “kết thúc với cả ngày rảnh rỗi để sử dụng theo ý mình” có thể không phải là tất cả những gì người ta vẫn tưởng.
Tất nhiên, điều gì khiến bạn cảm thấy “hiệu quả” là tùy thuộc vào bạn. Nếu việc bỏ ra 2, 3 tiếng để xem những bộ phim yêu thích của mình làm bạn hạnh phúc hơn thì bạn nên làm điều đó. Mục đích của tất cả những điều này là sự tự chăm sóc bản thân chứ không phải sự xấu hổ.
Và thậm chí các hoạt động truyền thống hơn cũng có thể giúp bạn thoải mái và vui vẻ. Ví dụ như tham gia một số bài tập tim mạch nhẹ nhàng như đi bộ, có thể giúp đốt cháy căng thẳng cũng như giãn cơ. Các hoạt động thời gian rảnh như đan lát, đọc sách, nấu ăn hoặc chơi game cũng được biết là khiến mọi người rơi vào trạng thái dòng chảy.
Sharif cho biết: “Trong trường hợp mọi người thấy mình có quá nhiều thời gian rảnh rỗi, chẳng hạn như nghỉ hưu hoặc đã nghỉ việc, thì chúng tôi thấy rằng họ sẽ được hưởng lợi từ việc sử dụng thời gian mới có mục đích”.
Nhìn chung, theo tôi nghĩ, việc kết hợp đan xen giữa thời gian rảnh rỗi và bận rộn là tuyệt nhất. Quá bận rộn hay quá rảnh rỗi đều không phải là điều tốt cho sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn.
Đọc thêm: